ĐỀ THI KẾT THÚC MÔN
MÔN: PHƯƠNG PHÁP DẠY THỂ DỤC TIỂU HỌC
Ngành: Sư Phạm Tiểu Học Thời gian: 90 phút
Hướng đẫn bổ sung : · Học viên tải mẫu giấy làm bài về theo mẫu được cung cấp |
(Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm)
Câu 1: Mục tiêu, môn GDTC cấp tiểu học là gì? (2 điểm)
ĐA: Mục tiêu, môn GDTC cấp tiểu học giúp HS biết cách chăm sóc sức khoẻ và vệ sinh thân thể, bước đầu hình thành các kĩ năng vận động cơ bản, thói quen tập luyện thể dục thể thao, tham gia tích cực các hoạt động thể dục, thể thao nhằm phát triển các tố chất thể lực, làm cơ sở để phát triển toàn diện và phát hiện năng khiếu thể thao. Với mục tiêu phát triển năng lực thể chất, yêu cầu cần đạt của môn học tập trung vào ba năng lực thành phần: năng lực chăm sóc sức khỏe; năng lực vận động cơ bản; năng lực hoạt động thể dục thể thao. Cụ thể, đối với năng lực chăm sóc sức khỏe: HS biết và bước đầu thực hiện được vệ sinh cá nhân, vệ sinh chung và vệ sinh trong tập luyện thể dục thể thao; biết và bước đầu thực hiện được một số yêu cầu cơ bản của chế độ dinh dưỡng để bảo vệ, tăng cường sức khoẻ; nhận ra và bước đầu có ứng xử thích hợp với một số yếu tố cơ bản của môi trường tự nhiên có lợi và có hại cho sức khỏe. Ở năng lực vận động cơ bản, HS có thể nhận biết được các vận động cơ bản trong chương trình môn học; thực hiện được các kĩ năng vận động cơ bản; có ý thức thường xuyên vận động để phát triển các tố chất thể lực. Đối với năng lực hoạt động thể dục thể thao, HS cần nhận biết được vai trò của hoạt động thể dục thể thao đối với cơ thể; thực hiện được kĩ thuật cơ bản của một số nội dung thể thao phù hợp với bản thân; tự giác, tích cực trong tập luyện.
Câu 2: Chương trình GDTC mới định hướng phương pháp giáo dục thế nào? (2 điểm)
ĐA: Chương trình GDTC mới định hướng phương pháp giáo dục tích cực, lấy HS làm trung tâm, thực hiện chuyển quá trình giáo dục thành tự giáo dục; trong đó GV là người thiết kế, tổ chức, cố vấn, trọng tài, hướng dẫn hoạt động tập luyện cho HS, tạo môi trường học tập thân thiện để khuyến khích HS tích cực tham gia các hoạt động tập luyện, tự mình trải nghiệm, tự phát hiện bản thân và nâng cao thể lực, hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất. Trong giờ học, GV vận dụng linh hoạt các phương pháp dạy học đặc trưng như: trực quan, sử dụng lời nói, tập luyện, sửa sai, trò chơi, thi đấu, trình diễn,…; sử dụng nguyên tắc đối xử cá biệt, phù hợp với sức khoẻ HS; kết hợp dụng cụ, thiết bị phù hợp, sử dụng hiệu quả các thành tựu của công nghệ thông tin để tạo nên giờ học sinh động, hiệu quả. Trong tổ chức dạy học, cần chú ý lựa chọn các hình thức phù hợp, cân đối giữa hoạt động tập thể lớp, hoạt động nhóm nhỏ và cá nhân, giữa dạy học bắt buộc và dạy học tự chọn, để đảm bảo vừa phát triển năng lực thể chất, vừa phát triển phẩm chất và năng lực chung. GV cần tích hợp kiến thức một số môn học khác, một số bài hát, bản nhạc,… để tạo không khí vui tươi, hưng phấn trong tập luyện, làm cho HS yêu thích và đam mê tập luyện thể thao.
Câu 3: Về phương diện đánh giá kết quả học tập HS, chương trình mới quy định môn GDTC cấp tiểu học sử dụng hình thức đánh giá như thế nào? (2 điểm)
ĐA: Về phương diện đánh giá kết quả học tập HS, chương trình mới quy định môn GDTC cấp tiểu học sử dụng hình thức đánh giá thường xuyên và định kì. Cụ thể:
– Đánh giá thường xuyên bao gồm đánh giá chính thức (thông qua các hoạt động thực hành, tập luyện, trình diễn,…) và đánh giá không chính thức (bao gồm quan sát trên lớp, đối thoại, HS tự đánh giá,…) nhằm thu thập những thông tin về quá trình hình thành, phát triển năng lực của từng HS.
– Đánh giá định kì: Nội dung đánh giá chú trọng đến kĩ năng thực hành, thể lực của HS; phối hợp với đánh giá thường xuyên cung cấp thông tin để phân loại HS và điều chỉnh nội dung, phương pháp giáo dục.
– Sử dụng phương pháp đánh giá định tính, trong đó kết quả học tập của HS được mô tả bằng lời nhận xét hoặc biểu thị, đánh dấu bằng các mức xếp loại. HS có thể sử dụng hình thức này để tự đánh giá sau khi kết thúc mỗi nội dung, mỗi chủ đề, hoặc GV sử dụng để đánh giá thường xuyên (không chính thức).
Câu 4: Bạn hãy nêu tiến trình tổ chức một tiết học theo chiến lược 6C’s. (4 điểm)
*HĐ1: Mở đầu (khoảng 5-6 phút)
– Mục tiêu: Chuyển cơ thể sang trạng thái vận động; hướng đến các hoạt động liên quan đến nội dung giờ học; tạo tinh thần thoải mái, thích thú vận động.
– Nội dung: Ổn định lớp, kiểm tra sĩ số, tình hình sức khỏe của HS, giới thiệu nội dung bài học.
– Phương pháp, hình thức tổ chức:
+ Sử dụng các khẩu lệnh “hô – ứng; hỏi – đáp” để ổn định lớp, kiểm tra sĩ số, đồng thời tăng tính giao lưu và tạo không khí vui tươi và sự gắn kết cho lớp học.
+ Giao lưu với HS: Hỏi HS cảm thấy thế nào, tình hình sức khỏe ra sao, có bạn nào bị ốm không… để kiểm tra sức khỏe của HS.
+ Khởi động, tạo độ linh hoạt, mềm dẻo các khớp trước khi vận động.
+ Tổ chức một số trò chơi tập thể mang tính chất làm nóng không khí lớp học, có thể là các trò chơi giải trí hoặc vận động nhẹ nhàng… để hướng HS vào nội dung trọng tâm của giờ học. Trong quá trình chơi, chú ý động viên, khuyến khích những HS thực hiện chưa tốt nhằm tăng sự tự tin và cảm giác bản thân HS được tham gia và đóng góp vào hoạt động chung.
* HĐ2: Hình thành kiến thức mới (8-9 phút)
– Mục tiêu: HS nhận biết, hiểu, biết cách thực hiện và thực hiện được những kiến thức mới được đưa ra trong giờ học theo các mức độ, yêu cầu.
– Nội dung: Các kiến thức mới liên quan đến nội dung giờ học.
– Phương pháp, hình thức tổ chức: GV lựa chọn các kiến thức mới liên quan đến nội dung giờ học để phổ biến, truyền đạt lại cho HS
+ Lựa chọn sử dụng các phương pháp dạy học truyền thống như làm mẫu, phân tích, giảng giải kết hợp với các phương pháp dạy học tích cực tạo điều kiện cho HS (có thể là cá nhân hoặc nhóm) tự quan sát, thu thập, xử lí thông tin bằng hoạt động phân tích, tổng hợp, so sánh, đối chiếu, khái quát hóa, để giải quyết vấn đề chính của bài học qua các kênh thông tin khác nhau (kênh chữ, kênh hình, kênh âm thanh).
+ Qua các hoạt động tự tìm tòi, tự khám phá này, GV căn cứ vào yêu cầu cần đạt của nội dung bài học để tổ chức chuỗi các hoạt động thể hiện bằng hệ thống câu hỏi – đáp, trao đổi giao lưu giữa GV với HS, giữa HS với HS. Giúp HS cảm thấy tự tin, cảm thấy mình được lựa chọn cách thức tiếp thu kiến thức theo cách riêng của mình, đồng thời, thời gian giảng giải, phân tích được rút ngắn, thời gian dành cho việc tự khám phá tìm tòi cũng như tập luyện của HS được tăng cường nhiều hơn, thể hiện sự rõ ràng, súc tích trong chỉ dẫn của GV.
+ GV nhận xét, đánh giá thường xuyên đối với kết quả học tập của HS theo hướng tích cực nhằm động viên, khuyến khích, cho HS thấy những hoạt động của bản thân được GV công nhận và khen ngợi.
* HĐ3: Tập luyện (18-19 phút)
– Mục tiêu: HS vận dụng các kiến thức đã được học vào thực hành, luyện tập, ôn tập các động tác, bài tập.
– Nội dung: Một số bài tập/trò chơi nhằm thực hiện/giải quyết nhiệm vụ trọng tâm của giờ học.
– Phương pháp, hình thức tổ chức:
+ Lựa chọn sử dụng các phương pháp dạy học, hình thức tổ chức tập luyện đã định sẵn nhằm giải quyết mục tiêu trọng tâm của giờ học đã đề ra.
+ Chú trọng giải quyết các nội dung chính thông qua tổ chức các TCVĐ đã định sẵn, chú ý điều chỉnh nội dung hoặc hình thức tổ chức cho phù hợp với các điều kiện thực tế như môi trường tập luyện, điều kiện sân bãi, đồ dùng dạy học, thể trạng, sức khỏe của HS để tất cả HS có cơ hội tham gia và đóng góp vào các hoạt động của lớp.
+ Trong quá trình triển khai, chú ý quan sát và phát hiện những HS tập chưa tốt hoặc chưa đạt yêu cầu trong từng nội dung hay trò chơi cụ thể, để có thể động viên HS đó hoặc chủ động phân công, khuyến khích các HS có khả năng giúp đỡ, hỗ trợ bạn nhằm tạo sự tự tin và sự gắn kết giữa HS.
+ Chú ý tạo điều kiện cho HS đa dạng hóa các cách thức thực hiện theo ý muốn của bản thân trong quá trình luyện tập. Khuyến khích sự hỗ trợ của HS trong việc chuẩn bị, sắp xếp thiết bị, đồ dùng hoặc các hoạt động tổ chức hoạt động cho các nội dung học, trò chơi tiếp theo. Tạo điều kiện cho HS được lựa chọn cách thức tập luyện theo sở thích, quan điểm cá nhân hoặc vai trò đóng góp trong các hoạt động chung của cả lớp.
+ Chú trọng phát huy tố chất thủ lĩnh, khả năng điều khiển của những HS thực hiện tốt, hoặc tạo sự tự tin cho những HS còn nhút nhát, chưa mạnh dạn bằng cách giao quyền điều khiển, tổ chức các hoạt động chung hoặc hoạt động nhóm, hoạt động theo cặp/ đôi.
+ Luôn chú ý nhận xét, đưa ra những lời khen dành cho những đội/ cá nhân giành chiến thắng trong các bài tập/ trò chơi. Phân tích nguyên nhân tại sao đội đó lại thắng để các đội khác rút kinh nghiệm. Tạo điều kiện cho các đội tự nhận xét đánh giá kết quả tập của đội mình cũng như đội bạn. Bên cạnh đó không quên khuyến khích động viên các đội chưa đạt kết quả như mong muốn. Thể hiện sự Công nhận và khen ngợi của GV dành cho kết quả thực hiện của HS trong các hoạt động đó.
+ Trong quá trình thực hiện các bài tập/ trò chơi, GV cần tạo ra môi trường gắn kết bằng cách cùng tham gia hoạt động với HS; khuấy động không khí lớp học, tổ chức thi đấu…
*HĐ4: Vận dụng, mở rộng (4-5 phút)
– Mục tiêu: Định hướng vận dụng kiến thức, kĩ năng đã được học vào hoạt động học tập, cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.
– Nội dung: Vận dụng kiến thức, kĩ năng; nhận xét giờ học.
– Phương pháp, hình thức tổ chức:
+ Củng cố, hệ thống nội dung bài học thông qua xây dựng hệ thống các câu hỏi hoặc các bài tập/ hoạt động với các tình huống giả định có thể xảy ra trong học tập, cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, hướng HS vận dụng những kiến thức, kĩ năng đã được học để xử lí các tình huống đó bằng cách trả lời các câu hỏi hoặc bằng hành động, tăng cường khả năng lựa chọn các giải pháp nhằm vận dụng, xử lí các tình huống khác nhau của HS.
+ Đề xuất một số hoạt động/ bài tập mà HS có thể thực hiện, tập luyện ngoài giờ…
+ Nhận xét tinh thần, thái độ, kết quả học tập của HS sau buổi học. Tạo điều kiện để HS được tự nhận xét, đánh giá về kết quả học tập của bản thân cũng như đánh giá kết quả học của bạn mình. GV chú ý sử dụng các từ ngữ mang tính chất vui đùa, tạo sự gắn kết, nâng cao tinh thần tập thể, không khí vui vẻ nhẹ nhàng trong lớp học.