TC02-ĐÁP ÁN ĐỀ THI KẾT THÚC HỌC PHẦN-TRUYỀN THÔNG-GIÁO DỤC SỨC KHỎE

ĐÁP ÁN ĐỀ THI KẾT THÚC HỌC PHẦN

MÔN: TRUYỀN THÔNG-GIÁO DỤC SỨC KHỎE

Câu 1. MỤC ĐÍCH CỦA TRUYỀN THÔNG-GIÁO DỤC SỨC KHỎE 

Là phương pháp truyền đạt và hướng dẫn cho các đối tượng tham dự có kiến thức có thể: tự chăm sóc bản thân và gia đình, bảo vệ và nâng cao sức khỏe của cộng đồng bằng những nỗ lực của chính bản thân mình. Cụ thể là: 

Tự quyết định và có trách nhiệm về những hoạt động và biện pháp bảo vệ sức khỏe của mình.

Tự giác chấp hành và duy trì các lối sống lành mạnh, từ bỏ những thói quen, tập quán có hại cho sức khỏe.

Biết sử dụng các dịch vụ y tế có thể có được để giải quyết các nhu cầu sức khỏe và các vấn đề sức khỏe của mình.

Câu 2. CÁC QUY ĐỊNH TỔ CHỨC THỰC HIỆN TRUYỀN THÔNG, GIÁO DỤC SỨC KHỎE

Điều 4 Thông tư 07/2011/TT-BYT ban hành ngày 26 tháng 01 năm 2011 hướng dẫn công tác điều dưỡng về chăm sóc người bệnh trong bệnh viện qui định về công tác Tư vấn, hướng dẫn giáo dục sức khỏe, để thực hiện được nhiệm vụ cần có những quy định cụ thể.

Đối với Bệnh viện 

Có quy định và tổ chức các hình thức tư vấn, hướng dẫn giáo dục sức khỏe phù hợp.

Người bệnh nằm viện được điều dưỡng viên, hộ sinh viên tư vấn, giáo dục sức khỏe, hướng dẫn tự chăm sóc, theo dõi, phòng bệnh trong thời gian nằm viện và sau khi ra viện.

Có bộ tài liệu GDSK đã được thông qua hội đồng khoa học của bệnh viện để sử dụng cho công tác TT- GDSK trong toàn bệnh viện.

Có chương trình tập huấn cho ĐDV, HSV về TT-GDSK.

Cung cấp đầy đủ các phương tiện phục vụ cho công tác GDSK.

Qui định thời gian thực hiện trong toàn bệnh viện.

Kiểm tra, đánh giá việc thực hiện công tác TT-GDSK.

Có các hình thức khen thưởng đối với các tập thể và cá nhân thực hiện tốt.

Đối với Khoa

Thực hiện đầy đủ các qui định của bệnh viện

Có lịch phân công nhân viên thực hiện các buổi TT-GDSK

Cung cấp đầy đủ các phương tiện, tài liệu phục vụ cho công tác TT-GDSK

Tổ chức môi trường thực hiện TT-GDSK hiệu quả

Có bảng kiểm đánh giá nhận thức, kiến thức của người tham dự sau mỗi buổi thực hiện TT-GDSK

Tổng kết đánh giá hàng tháng và đề xuất các hình thức khen thưởng các cá nhân thực hiện tốt

Câu 3.CÁC PHƯƠNG PHÁP TRUYỀN THÔNG GIÁO DỤC SỨC KHỎE

Phương pháp TT-GDSK gián tiếp

Là phương pháp mà người làm giáo dục không tiếp xúc trực tiếp với đối tượng giáo dục, các nội dung được chuyển tải tới đối tượng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Đây là phương pháp hiện nay vẫn được sử dụng khá rộng rãi trên thế giới cũng như ở nước ta.

Phương pháp này có tác dụng tốt khi chúng ta cung cấp, truyền bá các kiến thức thông thường về bảo vệ và nâng cao sức khoẻ cho nhân dân một cách có hệ thống. Tuy nhiên, phương pháp này đòi hỏi phải đầu tư ban đầu, người sử dụng có kỹ thuật cao để vận hành, sử dụng các phương tiện. Phải xây dựng kế hoạch khá chặt chẽ, kết hợp với các ban ngành đoàn thể có liên quan để đưa chương trình TT-GDSK vào thời gian hợp lý.

Phương pháp gián tiếp chủ yếu là quá trình thông tin một chiều, do đó thường tác động đến bước một là nhận ra vấn đề mới và bước hai là quan tâm đến hành vi mới trong quá trình thay đổi hành vi sức khoẻ. Các phương tiện thông tin đại chúng thường được sử dụng trong phương pháp giáo dục sức khoẻ gián tiếp là:

Đài phát thanh

Vô tuyến truyền hình – Video

Tài liệu in ấn (Báo, tạp chí; Pano, áp phích; Tranh lật hay sách lật; Tờ rơi)

Bảng tin

Phương pháp TT-GDSK trực tiếp 

Cán bộ thực hiện giáo dục sức khoẻ trực tiếp tiếp xúc với đối tượng giáo dục sức khoẻ. Người giáo dục có thể nhanh chóng nhận được các thông tin phản hổi từ đối tượng giáo dục nên tính điều chỉnh cao trong phương pháp này. Thực hiện TT-GDSK trực tiếp luôn có hiệu quả tốt nhất trong việc giúp đỡ đối tượng học kỹ năng và thay đổi hành vi.

Câu 4.HƯỚNG DẪN TỔ CHỨC MỘT BUỔI TRUYỀN THÔNG– GIÁO DỤC SỨC KHỎE

Chuẩn bị trước khi TT-GDSK 

Chuẩn bị địa điểm thực hiện

Lựa chọn địa điểm yên tĩnh, thoáng mát, dễ nhìn, dễ nghe, đủ chỗ ngồi cho các đối tượng. Đảm bảo đủ các yếu tố vật lý như ánh sáng, âm thanh, nhiệt độ trong phòng

Chuẩn bị về phía người nghe

Số lượng người nghe: tuỳ theo chủ đề, nhưng không nên quá đông ( 15-20 người).

Thông báo cho người nghe về mục đích và nội dung của buổi nói chuyện giáo dục sức khoẻ.

Khuyến khích mọi người tham gia đầy đủ.

Chuẩn bị về phía cán bộ thực hiện TT-GDSK

Xác định chủ đề: nên tìm hiểu trước các đối tượng tham dự để lựa chọn chủ đề phù hợp.

Lựa chọn phương pháp trình bày phù hợp, nên sử dụng tranh ảnh, mô hình minh hoạ.

Sắp xếp thời gian hợp lý. Thời gian của buổi nói chuyện giáo dục sức khoẻ tại khoa/phòng nên kéo dài khoảng 15 – 20 phút.

Chuẩn bị đầy đủ hình ảnh và dụng cụ minh hoạ. Nên chuẩn bị một số ví dụ cụ thể để minh chứng, làm rõ nội dung trình bày.

Trang phục chỉnh tề, phù hợp.

Chuẩn bị kỹ nội dung theo trình tự lôgic của vấn đề. Phải có kiến thức sâu và đầy đủ liên quan đến nội dung của buổi nói chuyện.

Nên có mặt tại địa điểm tổ chức buổi nói chuyện giáo dục sức khoẻ trước 10 – 15 phút để kiểm tra lại các trang thiết bị phục vụ cho buổi nói chuyện.

Thực hiện TT-GDSK

Cách bắt đầu nói chuyện 

Người thực hiện TT-GDSK Chào hỏi, làm quen với mọi người

Giới thiệu bản thân. Có thể mời người nghe tự giới thiệu về mình để tạo không khí thân mật.

Giới thiệu chủ đề của buổi nói chuyện. Nêu lợi ích và tầm quan trọng của buổi nói chuyện để tạo sự chú ý theo dõi của người nghe.

Nêu rõ mục tiêu mà người nghe cần đạt được sau buổi nói chuyện.

Chỉ nên bắt đầu khi người nghe đã im lặng. Nên bắt đầu bằng những vấn đề mà người nghe đã biết.

Cán bộ thực hiện TT-GDSK

Nói to, rõ ràng để mọi người tham dự nghe được.

Kết hợp ngôn ngữ bằng lời và ngôn ngữ không lời khi nói chuyện để thu hút sự chú ý của đối tượng, ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu.

Quan sát, bao quát diễn biến của người tham dự để điều chỉnh cách trình bày cho hợp lý hơn.

Tập trung nhấn mạnh các nội dung trọng tâm của vấn để mà đối tượng cần phải biết, không nên nói nhiều nội dung ngoài lề, không quan trọng.

Nên kết hợp một số phương tiện hỗ trợ trong khi trình bày để chủ đề  dễ hiểu, dễ nhớ hơn như sử dụng tranh ảnh, hiện vật và mô hình minh hoạ. – Nêu các ví dụ cụ thể sát với thực tế mà đối tượng có thể cảm nhận được  (tốt nhất là lấy ví dụ ngay trong bệnh viện hay ở địa phương của đối tượng tham dự).

Đặt ra câu hỏi để hỏi và tìm hiểu thêm nguyện vọng của người nghe nhằm thay đổi không khí của buổi nói chuyện.

Dùng các từ ngữ đơn giản, dễ hiểu, câu nói ngắn gọn, xúc tích. Hạn chế dùng các thuật ngữ về y tế, từ chuyên môn khó hiểu.

Trình bày theo lôgic của vấn đề đặt ra.

Sau mỗi nội dung nên tóm tắt những điểm cốt lõi nhất và chuyển sang nội dung tiếp theo hợp lý.

Nếu có nội dung thực hành nên để đối tượng thực hành lại (ví dụ cách pha ORS, cách cho trẻ uống thuốc…).

Tránh một số khuynh hướng có thể xảy ra trong khi nói chuyện.

Không quan tâm đến thái độ và sự lắng nghe của đối tượng tham dự.

Nói lan man theo cảm hứng, không đi vào trọng tâm đã chuẩn bị, không chủ động về thời gian.

Nói trùng lặp nội dung.

Không có cơ hội cho đối tượng tham dự nêu câu hỏi.

Phê phán hay chỉ trích các câu hỏi, ý kiến không phù hợp mà các đối tượng nêu ra làm cho họ cảm thấy bị xúc phạm.

Phân bố thời gian nói chuyện không cân đối.

Kết thúc vấn đề vội vàng, không hợp lý.

Kết thúc nói chuyện sức khoẻ

Tóm tắt nội dung của buổi nói chuyện, nêu các nội dung chính mà đối tượng cần nhớ, cần làm.

Động viên và cảm ơn những người tham dự, người tổ chức (nếu có).

Có thể tiếp tục trao đổi với một số đối tượng nhằm làm rõ những ý kiến, những câu hỏi riêng của đối tượng mà họ chưa có điều kiện phát biểu.

Tạo điều kiện tiếp tục gặp gỡ, giúp đỡ đối tượng nếu có yêu cầu.

 

 

Đăng ký học trung cấp từ xa

    Để lại một bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

    .
    .