ĐỀ THI KẾT THÚC MÔN
MÔN: PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC MÔN ĐẠO ĐỨC
Ngành: Giáo Dục Tiểu Học Thời gian: 90 phút
Hướng đẫn bổ sung : · Học viên tải mẫu giấy làm bài về theo mẫu được cung cấp |
(Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm)
Câu 1: Trình bày nội dung giáo dục Đạo đức và các nhóm phương pháp giáo dục đạo đức cho học sinh tiểu học (5 điểm)
* Nêu được ý 1: Nội dung giáo dục ý thức đạo đức (1đ)
– Cung cấp cho học sinh những tri thức đạo đức cơ bản, sơ giản về các chuẩn mực hành vi, trên cơ sở đó bước đầu hình thành niềm tin đạo đức.
– Các chuẩn mực hành vi thể hiện trong các quan hệ:
+ Quan hệ của cá nhân đối với xã hội.
+ Quan hệ của cá nhân đối với công việc, lao động.
+ Quan hệ của cá nhân đối với người xung quanh.
+ Quan hệ của cá nhân đối với tài sản xã hội, tài sản của người khác.
+ Quan hệ của cá nhân đối với thiên nhiên.
+ Quan hệ của cá nhân đối với bản thân.
– Giáo dục các chuẩn mực cần làm cho học sinh hiểu:
+ Yêu cầu của chuẩn mực?
+ Ý nghĩa, tác dụng của chuẩn mực (Lợi – hại của việc thực hiện chuẩn mực).
+ Làm gì, làm như thế nào?
* Nêu được ý 2: Nội dung giáo dục thái độ, tình cảm đạo đức (1đ)
– Giáo dục thái độ, tình cảm cho học sinh là hình thành trong học sinh những rung động, cảm xúc đối với hiện thực xung quanh, làm cho các em biết yêu, biết ghét rõ ràng, qua đó có thái độ đúng đắn đối với cuộc sống xung quanh.
– Tình cảm đạo đức cần giáo dục cho học sinh tiểu học: Kính yêu Bác Hồ, ông bà, cha mẹ, anh chị em, yêu lao động, có thái độ đòng tình với những hành vi đạo đức tốt, phê phán những hành vi xấu…
* Nêu được ý 3: Nội dung giáo dục hành vi, thói quen đạo đức (1đ)
– Tổ chức cho học sinh lặp đi lặp lại nhiều lần những thao tác, hành vi đạo đức trong học tập, sinh hoạt, cuộc sống, nhằm có được hành vi đạo đức đúng đắn, từ đó có thói quen đạo đức bền vững.
– Những thói quen cần hình thành: Giúp đỡ ông bà, thầy cô giáo, hàng xóm láng giềng; Lễ phép với người lớn; Có những việc làm nhân đạo…
– Cần giáo dục hành vi văn hóa ngay từ nhỏ, đúng về đạo đức và đẹp về thẩm mỹ.
*Nêu được ý 4: Kết luận: Các nội dung giáo dục này nhằm hình thành cho học sinh những phẩm chất đạo đức: (1đ)
– Trong quan hệ cá nhân –xã hội: Yêu nước, tự hào dân tộc, yêu hòa bình, tôn trọng các dân tộc khác…
– Trong quan hệ cá nhân –lao động: Yêu lao động, cần cù, tiết kiệm, quý trọng người lao động và thành quả lao động…
– Quan hệ cá nhân với người khác: Yêu thương con người, hợp tác tương trợ lẫn nhau, lịch sự tôn trọng người khác…
– Quan hệ cá nhân – môi trường tự nhiên: Bảo vệ môi trường
– Quan hệ cá nhân – bản thân: Thật thà, giản dị, kiên trì, vượt khó, khiêm tốn, dũng cảm…
*Nêu được ý 5: Nhóm phương pháp giáo dục đạo đức cho học sinh tiểu học (1đ)
– Nhóm các phương pháp hình thành ý thức cá nhân: Đàm thoại; Kể chuyện; Giảng giải; Nêu gương.
– Nhóm các phương pháp tổ chức hoạt động xã hội, tích lũy kinh nghiệm
ứng xử cho học sinh: Nêu yêu cầu sư phạm; Tập luyện; Rèn luyện.
– Nhóm các phương pháp kích thích hoạt động và điều chỉnh hành vi ứng xử của học sinh: Phương pháp khuyển khích; Trách phạt.
– Nhóm các phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục đạo đức:
Phương pháp quan sát; Thực nghiệm tự nhiên; Đàm thoại,…
Câu 2. Để đạt mục tiêu giáo dục đạo đức người giáo viên tiểu học cần phải thực hiện nhiệm vụ gì ? (5 đ)
* Nêu được ý 1: Nhiệm vụ giáo dục ý thức đạo đức của môn Đạo đức cho học sinh tiểu học. (1đ)
– Giúp học sinh có hiểu biết ban đầu về một số chuẩn mực hành vi đạo đức và pháp luật cơ bản, phù hợp với lứa tuổi trong mối quan hệ giữa các em với bản thân, với gia đình, nhà trường, với cộng đồng, xã hội, môi trường tự nhiên và ý nghĩa của việc thực hiện theo các chuẩn mực đó.
– Kiến thức đạo đức là cơ sở cho việc hình thành niềm tin và nhờ đó học sinh mới có được ý thức đạo đức tự giác.
– Kiến thức đạo đức ở mỗi bài gồm:
+ Yêu cầu của chuẩn mực hành vi.
+ Sự cần thiết thực hiện chuẩn mực hành vi (Ý nghĩa, tác dụng, tác hại).
+ Cách thực hiện chuẩn mực đó bao gồm những việc cần làm và những việc cần tránh.
* Nêu được ý 2: Nhiệm vụ giáo dục hành vi, thói quen đạo đức cho học sinh (1đ)
– Từng bước hình thành kĩ năng nhận xét, đánh giá hành vi của bản thân và những người xung quanh theo chuẩn mực đã học; kỹ năng lựa chọn và thực hiện các hành vi ứng xử phù hợp chuẩn mực trong các mối quan hệ và tình huống đơn giản, cụ thể của cuộc sống; biết nhắc nhở bạn bè cùng thực hiện.
– Kỹ năng, hành vi thường bao gồm:
+ Biết nhận xét hành vi của bản thân.
+ Biết nhận xét, đánh giá hành vi của người khác.
+ Biết xử lý những tình huống đạo đức trong cuộc sống.
+ Biết đánh giá những vấn đề liên quan đến bài đạo đức.
+ Thực hiện được những hành vi tích cực trong cuộc sống hàng ngày của mình phù hợp với các chuẩn mực hành vi…
* Nêu được ý 3: Nhiệm vu giáo dục thái độ, tình cảm đạo đức cho học sinh (1đ)
– Từng bước hình thành thái độ tự trọng, tự tin vào khả năng của bản thân, có trách nhiệm với hành động của mình; yêu thương, tôn trọng con người; mong muốn đem lại niềm vui, hạnh phúc cho con người.
– Thái độ, tình cảm đạo đức là “chất men” kích thích từ bên trong nội tâm, giúp con người vượt qua những khó khăn trở ngại, làm điều thiện, làm cho cuộc sống trở nên nhân ái hơn, giàu tình người hơn.
– Những thái độ, tình cảm cần giáo dục:
+ Kính trọng, yêu quý ông bà, cha mẹ, anh chị em, thầy cô giáo, bạn bè, thiên nhiên, môi trường…
+ Tự giác, chăm chỉ thực hiện hành vi theo chuẩn mực quy định.
+ Yêu cái thiện, cái đúng, cái tốt; không đồng tình với cái ác, cái sai, cái xấu.
* Nêu được ý 4: Tóm lại (2đ)
Ba nhiệm vụ trên của môn Đạo đức có mối quan hệ mật thiết với nhau – Tác động lẫn nhau, hỗ trợ cho nhau:
– Tri thức, niềm tin đạo đức có tác dụng định hướng cho việc thể hiện thái độ, tình cảm đạo đức đúng đắn và việc hình thành kỹ năng, thực hiện hành vi và thói quen đạo đức tích cực.
– Qua việc hình thành kỹ năng, thực hiện hành vi, học sinh sẽ củng cố, khắc sâu tri thức đạo đức, đồng thời các em cũng thể hiện, khẳng định thái độ và nảy nở tình cảm đạo đức của mình.
– Thái độ, tình cảm đạo đức đúng đắn có tác dụng kích thích, làm cho quá trình nhận thức diễn ra thuận lợi hơn, có hiệu quả hơn (từ đó các em có được tri thức cần thiết và niềm tin tự giác), thúc đẩy việc hình thành kỹ năng, rèn luyện hành vi và thói quen đạo đức tích cực.
————–/————