MÔN PHƯƠNG PHÁP TOÁN
Câu hỏi kiểm tra giữa môn học
Thời gian: 40 phút
(Sinh viên được sử dụng tài liệu)
Câu hỏi
Học sinh tiểu học học toán như thế nào? Nêu những điểm cần chú ý trong dạy học toán ở tiểu học.
Đáp án
Học sinh tiểu học học toán như sau: (5đ)
(2đ) Học sinh tiểu học thường tri giác trên tổng thể. Về sau, các hoạt động tri giác phát triển và được hướng dẫn bởi các hoạt động nhận thức khác nên chính xác hơn. Việc chú ý không chủ định chiếm ưu thế ở học sinh tiểu học. Sự chú ý của học sinh tiểu học còn phân tán, dễ bị lôi cuốn vào các trực quan, gợi cảm, thường hướng ra bên ngoài vào hành động, chưa có khả năng hướng vào bên trong, vào tư duy.
Trí nhớ trực quan – hình tượng và trí nhớ máy móc phát triển hơn trí nhớ logic, hiện tượng hình ảnh cụ thể dễ nhớ hơn các câu chữ trừu tượng, khô khan. Trí tưởng tượng còn chịu tác động nhiều của hứng thú, kinh nghiệm sống.
(2đ) Chẳng hạn: Học sinh lớp 1 đã nhận thức sự tương ứng 1-1 không thay đổi. Khi thay đổi cách sắp xếp các phần tử để từ đó hình thành khái niệm bảo toàn “số lượng” suy ra phép cộng có phép tính chất giao hoán thì phải có hình ảnh minh họa. Học sinh cuối cấp học có những tiến bộ về nhận thức không gian như phối hợp cách nhìn một hình hộp từ các phía khác nhau, nhận thức được các quan hệ giữa các hình với nhau ngoài các quan hệ trong nội bộ một hình.
(1đ) Tóm lại học sinh tiểu học bước đầu có khả năng thực hiện việc phân tích tổng hợp, trừu tượng hoá – khái quát hoá và những hình thức đơn giản của sự suy luận, phán đoán.
Những điểm cần chú ý trong dạy học toán ở tiểu học. (5đ)
(2đ) Trong dạy học tiểu học quan điểm “thống trị” là quan điểm tâm lý học, nhưng trong dạy học toán cần thấy vai trò chủ đạo của quan điểm logic và toán học, coi logic học hình thức là cơ sở quan trọng của nó. Thực tế, quan tâm đến đặc điểm lứa tuổi chính là tăng cường sức mạnh của logic trong quá trình nhận thức ở học sinh tiểu học. Không thể dạy học toán mà không nắm vững đặc thù của toán học nói chung, không nắm vững những kiến thức toán học cơ bản, cần thiết liên quan đến các kiến thức cần dạy. Lịch sử toán học đã chỉ ra rằng toán học xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, toán học còn phát triển theo yêu cầu của nội tại toán học.
Ví dụ: So sánh số bé bằng một phần mấy số lớn.
(2đ) Đối tượng toán học ngay từ đầu là các đối tượng trừu tượng, nên đối với toán học đó là sự trừu tượng hoá trên các trừu tượng hoá liên tiếp trên nhiều tầng bậc. Sự trừu tượng hoá liên tiếp luôn gắn với sự khái quát hoá liên tiếp và với lí tưởng hoá. Toán học sử dụng phương pháp suy diễn, nó là phương pháp suy luận làm cho toán học phân biệt với các khoa học khác.
Tư duy của học sinh tiểu học đang trong giai đoạn “tư duy cụ thể”, chưa hoàn chỉnh. Vì vậy việc nhận thức các kiến thức toán học trừu tượng khái quát là vấn đề khó đối với các em. Trong dạy học, cần nắm vững sự phát triển có quy luật của tư duy học sinh, đánh giá đúng khả năng hiện có và khả năng tiềm ẩn của học sinh. Từ đó, có những biện pháp sư phạm thích hợp với trình độ phát triển tâm lí và phù hợp việc nhận thức các kiến thức toán học ở tiểu học.
(1đ) Trong dạy học toán ở tiểu học cần chú ý đến sự tồn tại của ba thứ ngôn ngữ có quan hệ đến nhận thức của học sinh: ngôn ngữ với các thuật ngữ công cụ; ngôn ngữ kí hiệu; ngôn ngữ tự nhiên.